• :
  • :
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của UBND Xã Yên Nhân
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội truyền thống di tích lịch sử văn hóa Đình Làng Phương Nại

 

 Trong 3 ngày mùng 10 -12 tháng 3 Âm lịch, ban khánh tiết làng Phương Nại tổ chức Lễ hội truyền thống di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình làng Phương Nại.  Đình làng Phương Nại thờ Tứ vị thánh Nương và Thành hoàng làng, đã có công đánh giặc  và gây dựng quê hương .

 

Thần tích còn lưu giữ tại di tích có ghi:  Niên hiệu Thiệu bảo thứ nhất (1279) đời vua Trần Nhân Tông nhà Trần. Năm Tường Hưng thứ nhất đời vua Đoan Tông, nhà Tống bị đại tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm đắp luỹ cho quân mai phục để đánh quân Tống ở bờ nam sông. Tướng Tống là Lý Thiên không biết đó là mưu kế xảo trá nên cho quân đột nhập vào trong luỹ, kết quả là quân Tống đều bị tiêu diệt. Hoằng Phạm liền thúc quân truy đuổi quân Tống, quân Tống tan vỡ. Quan lại bề tôi nhà Tống đều theo chủ đế của mình, lao xuống sông tự vẫn. Trương Thế Kiệt cùng với Hoàng hậu vua Tống và hai con gái giong theo đường biển tới Giao Chỉ. Hậu ngửa đầu lên trời mà ca thán rằng: “Nhà Tống có được là nhờ trời, thuận theo gió xuôi về phía Nam, thiếp cùng với các vị cựu thần hào kiệt đồng lòng khôi phục, nhược bằng nhà Tống đã hết, thiếp nguyện đi theo Hoàng đế xuống ba đào để nguyện đạo làm vợ”. Dứt lời gió lớn nổi lên nhấn chìm thuyền. Hậu và hai công chúa bị sóng biển xô dạt tới ngoài góc biển. Ngoài đó có một ngôi chùa nhỏ, trong chùa có một vị thiền tăng tên hiệu là Đạo Chân, khi đi ra ngoài bờ biển thấy có ba người phụ nữ dung mạo xinh đẹp khác thường trôi dạt, bèn vớt lên đem về, theo cách cứu ngưòi chết đuối mà chữa trị cho, nên ba người  đều sống lại, cùng ở lại đây với nhà sư. Được một năm nhà sư nổi lên ham muốn, ngỏ lời cầu thân với Hoàng hậu. Hoàng hậu can ngăn nói: “ Thiếp không phải là người thường mà là Hoàng hậu nhà Tống, đương lúc phải giữ gìn trinh tiết, để lại danh thơm hậu thế, sao có thể thất tiết như kẻ khác được!”. Bèn cự tuyệt không theo. Hôm sau nhà sư cầu thân cùng công chúa, công chúa nói: “Nay nhờ ân phúc lớn của thày mà được sinh dưỡng, sao có thể làm trái với nhân luân như thế được!' Khẩn cầu mấy lần, công chúa đều không nghe. Nhà sư trong lòng tự thấy xấu hổ, bèn nhẩy xuống biển chết. Hôm sau Hoàng hậu phát hiện thấy nhà sư đã chết, thương cảm ơn đức của nhà sư, hai công chúa đem chuyện nói, Hoàng hậu ngậm ngùi: “ Mẹ con ta nhờ công đức của nhà sư mà được toàn mệnh, nay nhà sư không còn nữa, ta cũng theo nhà sư thôi!”, rồi lao xuống biển. Hai công chúa thấy thế cùng nói: “ Nhà sư và mẹ đã mất, chúng ta còn vui sống làm gì?’, lại cũng lao ra biển theo nhà sư và Hoàng hậu. Từ đó âm hồn linh thiêng, trời cao cảm động bởi tiết hạnh của họ, ban cho cai quản nơi cửa biển, đem hồn phách (của ba mẹ con họ) nhập vào cây trầm hương trôi dạt qua biển Nam. Một hôm có các ngư dân đến đánh bắt cá ở nơi đó, mấy lần cầu xin đểu được nhiều cá, liền rước (cây trầm hương) về lập miếu, thờ tự hương khói, sớm được linh ứng. Đến năm niên hiệu Hồng Đức, nhà Lê (1470-1497, nhà vua xuất binh đi về phía Nam đánh Chiêm Thành, gặp phải sóng to hung dữ, chẳng thể vượt qua được. Đến tối, nhà vua mơ thấy có ba người tiến lại gần tâu rằng: “ Thiếp là Hoàng hậu của vua mất nước (chỉ vua Tống), chạy chốn giặc Nguyên đến cử biển này, giữ gìn cẩn trọng tiết nghĩa trong ba đào. Trời cao cảm động mà ban cho coi giữ nơi cửa biển này, (là tiền lệ) chưa từng có trước, nay bệ hạ đóng quân nơi đây, thiếp xin được tỏ rõ đôi lời. Thiếp nguyện âm trợ thần uy, khiến cho sóng yên biển lặng, quân uy thắng lợi, đến ngày bệ hạ khải hoàn trở về, nhớ đến chút công lao của thiếp, là thiếp đã muôn phần vinh hạnh, Dứt lời biến mất không thấy đâu nữa, nhà vua chợt tỉnh giấc mộng. Hôm sau biển lặng, nhà vua đem chuyện hỏi dân trong thôn, dân thôn bẩm rằng:“ Bọn ngu dân chúng con vốn làm nghề đánh cá, khi xưa thấy một cây trầm hương trôi đến nơi đây, đẩy không đi, lay không chuyển, bèn lập miếu hương khói, cầu đảo thường đánh bắt được nhiều cá, từ đó đến nay nhân dân đa phần đến cầu đều được linh ứng, tuy nhiên không biết (Thần) gọi là gì?, Nhà vua bèn bày cỗ thái lao đến bái yết, rồi cho quân vượt biển thảo phạt (Chiêm Thành). Đánh một trận mà thành công, chiến thắng trở về đến nơi này bèn ban chiếu đốc thúc dân xã lập miếu thờ, gọt đẽo cây trầm hương đó thành tượng (thấy trên thân cây đó có viết sáu chữ: Tam toà Tứ vị Hồng nương).

Tam toà gồm Hoàng hậu, hai công chúa, lại có thêm người thị nữ nên gọi là tứ vị (bốn vị), đời Hồng Đức có gia phong: Đại Càn Quốc gia Nam hải Tam toà Tứ vị Hồng nương. Vào tiết lập xuân lại ghi vào tự điển làm phúc thần nước Việt, đến nay anh linh vẫn hiện, lại phong tặng thêm là Hộ dân Bảo quốc . Kính cẩn ghi lại.

Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thượng đẳng thần nguyên được tặng (mỹ tự) Hàm hoằng Đại quang Chí đức Bạc bác Trang vi Thượng đẳng.

 Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, di tích Đình Làng Pương Nại xã Yên Nhân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2022. Lễ hội truyền thống Đình Làng Phương Nại được tổ chức hằng năm với các các nghi thức tế, lễ truyền thống và nhiều nội dung ý nghĩa trong phần hội như: giao lưu văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, thu hút đông đảo con em quê hương cùng du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái./.

 
 
Một số lễ hội khác trên địa bàn xã

 

  Trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng, lễ hội vùng, làng là nét văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội bao giờ cũng hướng đến một nhân vật được suy tôn là nhân thần hay thiên thần. Đó là hình ảnh hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, giúp con người nhớ về cội nguồn, hướng thiện và tạo dựng một cuộc sống yên vui, tốt lành. Theo số liệu thống kê hàng năm trên địa bàn xã Yên Nhân có 5 thôn, xóm có lễ hội truyền thống đầu xuân đó là: Lễ hội truyền thống làng Bình Hải ngày mùng 10/2 Âm lịch, lễ hội truyền thồng làng Vĩnh Lộc ngày mùng 01/03 Âm lịch, lễ hội truyền thống làng Yên Sư ngày  mùng 03/03 Âm lịch,  lễ hội truyền thống làng Phương Nại ngày mùng 10/03 Âm lịch và lễ hội truyền thống làng Hà Thanh ngày 16/03 Âm lịch. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức vào đầu xuân và vẫn giữ được các yếu tố của lễ hội truyền thống.

      Không gian tổ chức lễ hội tại đình các làng trên địa bàn xã. Những năm vừa qua, việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhiều cơ sở thờ tự cộng đồng đã thúc đẩy các hoạt động lễ hội phát triển. Các lễ hội được tổ chức để bày tỏ niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng đối với nhân vật được phụng thờ, tôn kính, các anh hùng dân tộc trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm, là các danh nhân văn hóa, những anh hùng liệt sỹ chiến đấu hy sinh cho tổ quốc, những bà mẹ việt Nam anh hùng.

 Với các lễ hội làng, người dân luôn là chủ thể của lễ hội. Thường trước lễ hội, cán bộ và nhân dân trong làng họp để bầu ra ban tổ chức lễ hội trình lên UBND xã ra quyết định thành lập. Căn cứ vào đơn đề nghị và tờ trình UBND xã ra quyết thành lập ban tổ chức lễ hội để ban tổ chức lễ hội các làng hoạt động theo đúng pháp luật. Ban tổ chức tập trung lên kế hoạch, phân công công việc cho từng người, từ người tế lễ, dâng hương, rước lễ, khiêng kiệu, cầm cờ, bát bảo, chấp kích, phụ trách trò chơi, hậu cần… và người chủ lễ thường là các cụ cao niên trong làng hoặc trong ban quản lý di tích. Trong lễ hội, người dân tuân thủ và thành kính tuân theo các nghi thức truyền thống, việc được tham gia lễ hội, là một thành phần của lễ hội là niềm tự hào, hân hoan với mỗi người dân trong các kỳ hội làng. Có nhiều hội làng vẫn duy trì được các hình thức truyền thống từ lễ cáo yết, tế thánh, khiêng kiệu rước thánh du xuân dáng phúc cho nhân dân trong làng cầu bình an, sức khỏe, phát tài, phát lộc.

 

 

 

Các trò hội trong các lễ hội làng cũng phong phú không kém. Những trò hội nghiêng về rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, nhanh nhẹn, có tính cộng đồng luôn được đề cao. Các trò hội như, bắt vịt dưới ao, bịt mắt vợt bóng, đi cầu phao, chọi gà, bịt mắt bắt lợn… luôn làm cho những lễ hội thêm phần tưng bừng, náo nức. Việc trang trí khánh tiết, biểu diễn giao lưu văn nghệ, tổ chức các hoạt động đều được nhân dân trong làng và khách thập phương về dự vui tươi phấn khởi.

 Các phong trào vừa góp phần gìn giữ những nét đẹp trong các phong tục lễ hội truyền thống, giữ cho lễ hội được tổ chức thường niên động viên tinh thần nhân dân. Việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội cũng như tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống được tăng cường đã giúp cho các lễ hội vẫn giữ được nhiều nghi lễ truyền thống, đáp ứng nhu cầu gắn kết cộng đồng và nâng cao nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của nhân dân.

 

                                                                                          Phạm Văn Thưởng - VHTT xã


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết